Bình luận về đoạn kết Tấm Cám

Bấy lâu nay, kết thúc Tấm trả thù hai mẹ con ở đoạn kết luôn gây ra rất nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng hành xử của Tấm là "quá tàn nhẫn" nếu so với tính cách nhu mì hòa thuận của cô được miêu tả ngay từ đầu.

Một số các ấn bản như "Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc" của Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ biên soạn; cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” của Nhà xuất bản Văn học hay cuốn “Truyện Cổ tích Việt Nam đặc sắc” của Nhà xuất bản Văn học do Phúc Hải tuyển chọn, kết thúc của truyện là kịch tính. Cô Tấm hiền lành sau khi được trở lại cung thì trả thù mẹ con Cám. Đầu tiên, cô dội nước sôi cho Cám chết còng queo, sau đó mang Cám đi muối mắm và gửi hũ mắm đó cho mẹ ghẻ ăn. Bà mẹ ghẻ ăn đến hết hũ mắm thì thấy đầu lâu của con gái hiện ra mới uất ức quá mà lăn ra chết. Nhiều người lý giải rằng đây chính là sự trỗi dậy của cô Tấm - đại diện cho lòng căm thù của dân gian đối với cái ác và khẳng định cái ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Tuy nhiêu cũng rất nhiều ý kiến khác không ủng hộ đoạn kết này vì nó làm mất đi hình tượng cô Tấm hiền lành nết na của văn học dân gian Việt Nam.

Nhiều ấn bản khác như cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam - Mẹ kể con nghe" của Nhà xuất bản Mỹ thuật; bộ "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" cũng của Nhà xuất bản Mỹ thuật; bộ Truyện cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Văn Học…), truyện kết thúc khi mẹ con Cám xấu hổ bỏ đi và bị sét đánh chết - một sự trừng phạt của tự nhiên. Hoặc chỉ kết thúc đơn giản là Cô Tấm được hạnh phúc bên nhà Vua, còn mẹ con Cám đã bị trừng trị thích đáng. Cái kết này vẫn giữ được hình ảnh cô Tấm tốt bụng vị tha, đồng thời vẫn khẳng định được quan niệm của dân gian “ác giả ác báo”, “lưới trời lồng lộng” làm việc ác khắc bị trừng phạt theo lẽ tự nhiên[7].